220 Leo Ave., Suite B, San Jose, CA 95112 - Tel: (408) 786-5875/608-5632
 


Nổi Đau Chung Cần Phải Giải Quyết
 VNNB, 2/2/2008

Hơn hai tháng nay kể từ đêm 20/11/07 sau khi Hội Đồng Thành Phố San Jose, California bỏ phiếu với tỉ lệ 8/3 chấp nhận danh xưng Saigon Business District, gọi tắt là SBD, cho một khu vực thương mại dài khoảng 1 dặm nằm dọc theo đường Story Road không khí sinh hoạt trong cộng đồng người Việt trong vùng Thung Lũng Hoa Vàng bỗng trở nên sôi động đạc biệt với những cuộc biểu tình rầm rộ liên tiếp vào mỗi trưa thứ ba hàng tuần (được mệnh danh là Thứ Ba Đen ý ám chỉ ngày thứ ba 20/11/07) nhắm phản đối hành động của nữ nghị viên Madison Nguyễn cũng như Thị Trưởng Chuck Reed và một số nghị viên bỏ phiếu chấp thuận danh xưng Saigon Business District.

Tính đến hôm nay đã có tất cả là 10 buổi biểu tình của hàng trăm người Mỹ gốc Việt trước Tiền đình Tòa Thị Chính San Jose. Tại sai lại ra nông nỗi này? Tại sao chính những người đã từng mạnh mẽ ủng hộ và cổ động cho UCV Madison khi cô ra tranh cử hai năm trước bây giờ lại là những người chỉ trích cô NV trẻ tuổi này mãnh liệt nhất? Tại sao Thị Trưởng Chuc

k Reed lại cùng với NV Madison đi ngược lại ý muốn của cư dân khu vực liên hệ nói riêng và cư dân đơn vị 7 nói chung?? Tại sao TT Chuck Reed và 7 nghị viên khác, trong đó có NV Madison, lại không đếm xỉa gì kết quả cuộc thăm dò dân ý do cơ quan RDA thực hiện với chi phí lấy từ công quỹ tức từ tiền thuế mà người dân đóng góp? Trước khi có thểđi đến quyết định ai phải, ai trái, nên bênh hay chống NV Madison có lẽ chúng ta cũng nên tìm hiểu đâu là ngọn và đâu là cội rễ của vấn đề.

Trước hết, đi ngược lại thời gian vào tháng 3 năm ngoái thì hầu hết người Mỹ gốc Việt cư ngụ tại San Jose và nhất là tại khu vực đơn vị 7, mà NV Madison là đại diện, không ai biết gì về ý định của NV Madison nhắm vận động Hội đồng thành phố (HĐTP) đặt tên cho khu vực thương mại nằm trên đường Story. Đó là chưa kể đến việc tại sao lại chọn khu vực đó thay vì khu vực đường Senter nơi có rất đông người Việt cư ngụ, có nhà thờ St. Maria Goretti, có trường Việt ngữ Về nguồn, và nhiều cơ sở thương mại, chợ búa từng hoạt động từ hơn hai thập niên qua. Cũng chính khu vực Senter/Capitol là nơi mà đầu thập niên 1990 người Việt tị nạn trong vùng đã hãnh diện, đến rơi nước mắt, khi nhìn thấy một KỳĐài được thiết dựng.

Ngoại trừ một số rất ít người biết đến ý định chọn khu Story Road của NV Madison, tuyệt đại đa số người Việt tị nạn tại đây, kể cả giới truyền thông, kể từ tháng 3 năm ngoái đã gặp phải từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Bản thời biểu diễn tiến của vấn đề được Phong Trào Cử Tri San Jose Đòi Dân Chủ (PTCTSJĐDC) phổ biến rộng rãi cho thấy, theo nguyên văn, “ngày 20/3/07 NV Madison đã tổ chức một buổi họp giữa bà Pat Dando, ông Paul Krutko, ông Sonny Nguyễn (thủ quỹ của bà trong cuộc tranh cử rồi), và ông Jim Nguyễn để xúc tiến dự án đặt tên cho đoạn đường 1-mile trên đường Story là “Vietnam Town Business District” (theo báo San Jose Business Journal)”. Ông Sonny Nguyễn, tức Sơn Nguyễn (không phải ông Sơn Nguyễn Chủ tịch BQT Hội Xuân và Diễn Hành), là người mà hành tung ít ai biết rõ và chỉ mới xuất hiện tại San Jose trong những sinh hoạt tại địa phương vào những năm gần đây và chính ông này đã bị tờ tuần báo Tin Việt News đặt nhiều nghi vấn vào những năm 2005, 2006. Thế nhưng như để tạơn thủ quỹ viên Sơn Nguyễn nên chỉ ít lâu sau khi đánh bại ƯCV Linda Nguyễn, Madison đã dàn xếp để, nhân một phiên họp của HĐTP, vinh danh ông Sơn Nguyễn như là một người đã đóng góp nhiều cho cộng đồng (?).

Tiếp đến, cũng theo bản thời biểu diễn tiến vấn đề do PTCTSJĐDC phổ biến, “ngày 17/4/07 NV Madison Nguyễn yêu cầu nhân viên thành phố và Cơ Quan Tái Thiết (RDA) gặp gỡ chủ nhân của khu Vietnam Town trên đường Story Road. Cuộc họp có nhiều nhân viên cao cấp (hàng giám đốc) của RDA tham dự (Richard Keit, Director, Neighborhood and Business Development, Bill Ekern, Director, Project Management), Ed Shikada, Deputy City Manager, Paul Asper, City Senior Graphic Designer, Chánh văn phòng NV Madison, chủ nhân khu Vietnam Town (Lập Tăng) và hai phụ tá tín cẩn về tài chánh và quảng bá thị trường (Chad Nguyen and Albert Liu). Tại buổi họp, ông Tăng Lập yêu cầu đặt tên khu vực là Vietnam Town Business District và ông ta thỏa thuận sẽ chịu các chi phí bảo trì các bảng tên và cờ hiệu.”

Vào thời điểm này có nhiều tin đồn đãi cho rằng NV Madison đang ra sức vận động bằng mọi cách để cố tìm cho đủ số phiếu tại HĐTP chấp thuận đặt tên khu thương mại liên hệ là Vietnam Town Business District như ông Lập hằng mong muốn. Tin tức từ PTCTSJĐDC cho biết “Chính cô Madison trên báo San Jose Business Journal, khi bàn về dự án khu thương mãi trên đường Story (xin nhấn mạnh là không phải khu shopping tư nhân Vietnam Town) đã nói, “Vietnam Town (Business District) sẽ cho thấy rằng thành phốđánh giá cao tính phong phú của thành phố và công nhận sự đóng góp của những doanh thương người Mỹ gốc Việt”.

Có lẽ vì quá chú tâm đến việc làm thế nào để cho ông Lập khỏi bị thất vọng nên những chi tiết liên quan đến phiên họp ngày 5/6/2007 của Hội đồng Thành phố, nhằm thảo luận việc thông qua đề nghị (dĩ nhiên là của NV Madison) chấp thuận đặt tên cho khu vực thương mại này là Vietnamese Business District (VBD), đã không được văn phòng NV Madison phổ biến ra ngoài. Các cơ quan truyền thông Việt ngữ cũng như Ban Đại Diện Cộng Đồng Việt Nam Bắc California cũng không hề được văn phòng NV Madison thông báo về phiên họp có ảnh hưởng sâu rộng đến cộng đồng người Việt tị nạn trong vùng và đặc biệt cư dân trong khu vực đơn vị 7 mà NV Madison làm đại diện. Đây là một trong nhiều dấu hiệu rõ ràng cho thấy NV Madison chỉ nhắm phục vụ cho quyền lợi của một vài thương gia giầu có, mà điển hình là ông Tăng Lập, thay vì lẽ ra NV Madison phải thu thập thêm ý kiến từ cử tri người Mỹ gốc Việt tại đơn vị 7 nói chung và các cư dân sống quanh khu vực liên hệ nói riêng.

Nhờ vào sự dấu diếm kín đáo của NV Madison và văn phòng của cô cũng như một số nhân vật liên hệ nên chỉ có vài người Việt xuất hiện trong phiên họp ngày 5/6/2007. Theo bản tin của PTCTSJĐDC, “ngoài chủ nhân khu Vietnam Town chỉ có hai ông Vũ Văn Lộc và Nguyễn Phú Nam có mặt tại buổi họp hội đồng thành phố (họ phát biểu ủng hộ tên đặt cho dự án). Tất cả các cơ quan truyền thông, hội đoàn trong cộng đồng KHÔNG biết một tí gì về buổi điều trần này của thành phố để thông qua dự án này cả. Khi ông chủ tịch Ban Đại Diện Cộng Đồng Bắc Cali biết được việc này và hỏi thì bà trả lời rằng tên VBD là quyết định tối hậu vì cộng đồng không (tham dự để) phát biểu (trong phiên họp) 5/6 trước đó, và họ KHÔNG thể thay đổi tên nữa.”.

Rồi cái gì phải đến đã đến: HĐTP chấp thuận đề nghị của NV Madison đặt tên cho khu vực liên hệ là Vietnamese Business District (VBD) trong phiên họp diễn ra ngày 5/6/07.

Đến ngày 15/8/07, văn phòng NV Madison và Cơ Quan Tái Phát Triển Thành Phố, tức Redevelopment Agency hay RDA, phối hợp tổ chức một buổi thảo luận công khai với cộng đồng tại phòng hội của thư viện Tully ở San Jose. Ngay vào lúc mở đầu buổi thảo luận, ông Abi Maghamfar, Giám Đốc Điều Hành thuộc RDA đã ngỏ lời chào mừng các tham dự viên và cho biết lý do của cuộc thảo luận. Ông Abi cho biết, tiếp theo sau quyết định của Hội Đồng Thành Phố San Jose (HĐTP) vào ngày 5 tháng 6 vừa qua chấp thuận việc tìm đặt một tên cho khu vực thương mại Việt Nam, tức Vietnamese Business District, Cơ quan RDA đã được chỉ thị thực hiện cuộc tìm hiểu và thăm dò dân ý nhắm lựa chọn một danh xưng thích hợp cho khu vực vừa nói và thực hiện các bước cần thiết kế tiếp như vẽ biểu ngữ, bảng tên, v.v.. Đặc biệt, ông Abi nhấn mạnh từ ngữ “Khu thương mại Việt Nam”, hay Vietnamese Business District, như hiện được đề cập đến trong các văn thư của thành phố hay các thư mời tham dự các phiên họp cộng đồng, chỉ nhắm đề cập đến khu vực liên hệ và hoàn toàn không dính dáng gì đến danh xưng mà quyết định tối hậu nằm trong tay Hội Đồng Thành Phố sau khi HĐTP nhận được bản tường trình từ Quản Lý Viên của Thành phố San Jose trong vòng vài tháng sắp tới. Trong phần thảo luận NV Madison cũng xác nhận là “hiện nay không có một danh xưng nào cho khu vực được đề nghị, từ ngữ dùng chỉ định khu vực là Vietnamese Business District dịch thẳng sang Việt ngữ là “Khu thương mại cho người Việt” và đó không phải là tên đặt cho khu vực liên hệ.”.

Cho đến giờ phút này (ngày 15/8/07) nhiều người vẫn tin tưởng rằng chưa một danh xưng chính thức nào được HĐTP chấp thuận và vì thế buổi thảo luận từđó chỉ xoay quanh vấn đề đề nghị danh xưng cho khu vực. Một dấu ngoặc cần được mở ra ởđây là nếu thực sự HĐTP chưa quyết định chấp thuận một danh xưng chính thức nào cho khu vực liên hệ thì tại sao lại có sự kiện ông Ed Shikada, Phụ tá Quản Lý TP cùng với ông Richard Keith, Giám đốc văn phòng đặc trách Khu Láng Giềng và Phát Triển Thương Mại thuộc RDA trình bày các mẫu biểu ngữ và bảng hiệu chào mừng dẫn đến khu thương mại liên hệ?. Phải chăng NV Madison đã toa rập với RDA để đặt cộng đồng người Việt tại đơn vị 7 trước một sự kiện đã rồi? Đây là câu hỏi mà NV Madison cần phải trả lời cho thật minh bạch để không bị hiểu lầm.

Sau cuộc thăm dò dân ý diễn ra ngay trong buổi thảo luận này NV Madison đã nói “Nhiều người trong quý vị đề nghị danh xưng Little Saigon, điều đó tốt, chúng tôi không phản đối điều đó, không ai phản đối điều đó, chính tôi cũng không phản đối điều đó.”. Rồi NV Madison giải thích tiếp về tiến trình mà thành phố sẽ thực hiện “Việc mà quý vị nên biết là sau tối nay còn những bước khác phải thực hiện. Khi chúng tôi đề nghị (danh xưng cho) một khu thương mại nào đó tại San Jose chúng ta phải đi qua các tiến trình đã được thành phố quy định. Những doanh gia có cơ sở thương mại đang hoạt động trong khu vực và những cư dân sống trong phạm vi 1000 feet quanh khu vực đó là những người sẽ có tiếng nói đáng kể nhất trong việc quyết định danh xưng chính thức cho khu vực. Ngay cả trường hợp 100 phần trăm số người trong quý vị, trong đó có cả tôi, thích danh xưng Little Saigon, chúng ta không sống trong khu vực đó, chúng ta ở 3, 4 dặm cách xa khu vực nên ý kiến của chúng ta có thể không làm thay đổi được gì. Tôi muốn thành thực trình bày với qúy vị để quý vị khỏi ngạc nhiên về tiến trình của đề nghị này cũng như kết quả sau cùng sẽ ra sao.”

Điều đau đớn nhất là sau khi kết quả của cuộc thăm dò dân ý do RDA thực hiện, cho thấy danh xưng Little Saigon được đa số (37.6%) chấp thuận, và được bà Debra Figone, Quản Lý Viên Thành Phố SJ, đệ trình lên HĐTP cũng như ông Hội đồng Quản Trị RDA vào ngày 6/11/07 thì NV Madison và văn phòng của cô đã không mau chóng phổ biến đến cộng đồng người Việt và các cơ quan truyền thông Việt ngữ trong vùng để cùng tìm một đáp số chung cho vấn đề mà thay vào đó cô đã âm thầm vận động từ trước để tìm sự hậu thuẫn của đại diện 15 hội đoàn, và tổ chức ái hữu, mà phần lớn không đại diện cho cư dân hay cơ sở thương mại nằm trong phạm vi 1000 feet của khu vực liên hệ, để ủng hộ cho danh xưng New Saigon Business District (NSBD), tức danh xưng được ít phiếu nhất (6.8%) căn cứ theo kết quả chính thức của RDA.

Sự kiện NV Madison không phổ biến kết quả của RDA một lần nữa cho thấy sự mập mờ cố ý của người nữ nghị viên trẻ tuổi này. Dĩ nhiên cô có thể đổ lỗi cho nhân viên văn phòng của cô về sự chậm trễ vừa nói nhưng rồi NV Madison sẽ phải giải thích làm sao với những người Mỹ gốc Việt mà trong thời gian từ ngày 6/11/07 đến ngày 19/11/07 muốn được gặp cô để yêu cầu cô nên đề nghị danh xưng Little Saigon. Câu hỏi được đặt ra là phải chăng cô thực đã quá bận rộn trong suốt khoảng thời gian hai tuần lễấy đến nỗi cô không thể tiếp nhận ý kiến từ ngay cả khối người đã ủng hộ cô khi cô ra tranh cử?. Hay cô đã coi thường cuộc thăm dò dân ý do RDA thực hiện cũng như tiếng nói của cộng đồng trong buổi thảo luận công khai ngày 15/8/07 tại thư viện Tully?. Nếu chức vụ nghị viên là “do dân, và vì dân” thì phải chăng NV Madison đã cố tình làm ngơ cái nôi chính trị mà cô đã được thai nghén từ đó.

Dĩ nhiên làm chính trị, như người ta thường nói, là phải thủ đoạn nhưng tất cả đều có những giới hạn của nó. Người tiền nhiệm của NV Madison đã chẳng vấp phải vài chai rượu và những bữa ăn Free mà thân bại danh liệt đó hay sao? Thế thì những lời hứa tặng 100 ngàn mỹ kim sẽ dẫn NV Madison đi tới đâu? Hiện nay không ai biết được câu trả lời nhưng tổ tiên ta vẫn thường nói “đi đêm có ngày gặp ma” kia mà !

Xuất hiện tại buổi họp của HĐTP vào tối ngày 20/11/2007 vừa qua, hàng ngàn người Mỹ gốc Việt đã thêm một lần nữa bày tỏ sự mong muốn danh xưng Little Saigon thay vì bất cứ một danh xưng nào khác. Tuy thế cũng có một số người như 15 cá nhân nhân danh hội đoàn của họđã ký tên ủng hộ danh xưng NSBD, lại nghĩ khác. Tất cả đều đúng vì trong một xứ dân chủ bậc nhất như tại Hoa Kỳ thì mọi người đều bình đẳng như nhau và đều có quyền nói lên tiếng nói của họ. Hiến pháp Hoa Kỳ ghi rõ ràng như thế! Dân chủ có nghĩa thiểu số phải chịu theo đa số cho dù chỉ hơn nhau 1 phiếu. Tối Cao Pháp Viện đã chẳng phán ƯCV George Bush đắc cử vào năm 2000 đó hay sao?. ƯCV Janet Nguyễn đã chẳng thắng ƯCV Trung Nguyễn chỉ có 7 phiếu tại Quận Cam để trở thành Giám Sát Viên Quận Hạt đó hay sao?.

Bây giờ hãy cùng nhau thử thực hiện một cuộc bầu cử tưởng tượng ngay trong đơn vị 7 (để chọn nghị viên đại diện) với các dữ kiện và kết quả đếm phiếu như sau: -Tổng số cư dân: 93,000 người -Tổng số cư dân ghi danh đầu phiếu: 31,000 người (30%) -Tổng số cử tri thực sự bỏ phiếu (khiếm diện & trực tiếp): 9,300 phiếu. Kết quả kiểm phiếu chính thức như sau: -Ứng cử viên A : 3,497 phiếu (37.6%) -Ứng cử viên B: 1,272 phiếu (13.7%) -Ứng cử viên C: 1,271 phiếu (13.7%) -Ứng cử viên D: 1.192 phiếu (12.8%) -Ứng cử viên E: 953 phiếu (10.2%) -Ứng cử viên F: 635 phiếu (6.8%)

-Ứng cử viên G: 477 phiếu (5.1%) Với kết quả đếm phiếu như vậy, dĩ nhiên không có chuyện “hanging chads”, “pregnant chads”, .. lẩm cẩm nhưở Florida vào năm 2000 vì cử tri đơn vị 7 rất ư là cẩn thận và đúng đắn trong việc hành xử quyền công dân của họ, ứng cử viên nào sẽ trở thành tân nghị viên đơn vị 7? Chắc mẫm phải là ứng cử viên A. Dân chủ mà! Vì tôn trọng sinh hoạt dân chủ nên 27,503 cử tri (=31,000–3,497), tức số cử tri hoặc đã không hành xử quyền công dân hiến định của mình hoặc đã bỏ phiếu cho các ứng cử viên khác, vẫn sẽ vui vẻ chấp nhận ứng cử viên A là nghị viên đại diện cho đơn vị 7. Họ vui vẻ vì họ hiểu rõ đâu là dân chủ, đâu là phi dân chủ. Đến đây chắc bạn cũng đã thấy tỉ lệ bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tưởng tượng vừa nói thật ra cũng giống hệt tỉ lệ từ cuộc thăm dò dân ý do RDA thực hiện. Có khác chăng chỉ là 7 ứng cử viên khác nhau thay vì 7 danh xưng khác nhau mà thôi. Trong cuộc thăm dò dân ý, RDA đã gởi ra 1336 bản thăm dò và 1136 người đã nhận được, hay nói rõ hơn 1136 người sinh sống trong khu vực liên hệđã được RDA hỏi ý kiến. 117 người (10%) đã trả lời và trong số này 44 người đã chọn danh xưng Little Saigon. Nôm na mà nói thì 1019 người hoặc không muốn tham gia cuộc thăm dò dân ý (tương tự như một cư dân hội đủ điều kiện nhưng không muốn ghi danh đi bầu) hoặc “ai sao tôi vậy” trong khi 73 người khác đã hành xử quyền tự do của họ và chọn những danh xưng khác hơn là Little Saigon.

Cử tri đơn vị 7 đã thực thi dân chủ vào các ngày 7/6/2005, 13/9/2005 và 6/6/2006 để chọn ứng cử viên Madison Nguyễn vào chức vụ nghị viên thì hà cớ gì NV Madison Nguyễn lại không thể thực hiện những nguyên tắc dân chủ căn bản tối thiểu trong một vấn đề lẽ ra quá dễ giải quyết này?. Nếu cuộc bầu cử vừa nói chỉ là vòng loại thì một cuộc bầu cử chung kết sẽ diễn ra giữa hai ứng cử viên A và B tương tự như cuộc bầu cử vòng loại vào ngày 7/6/05 khi 2 ứng cử viên Madison Nguyễn (được 3341 phiếu tức 42.5%) và Linda Nguyễn (được 1990 phiếu tức 25.5%).

Nhưng những diễn tiến trong khoảng thời gian từ ngày 6/11/07 tại San Jose cho thấy đối với NV Madison Nguyễn thì hoàn toàn khác hẳn. NV Madison đã một mặt âm thầm đi tìm sự hậu thuẫn từ bên ngoài và cùng lúc đã gạt phắt kết quả cuộc thăm dò dân ý do RDA thực hiện, tức cuộc bỏ phiếu chính thức của cư dân và chủ nhân cơ sở thương mại quanh khu vực liên hệ, để đề nghị HĐTP chấp nhận danh xưng SBD, tức danh xưng được ít người chọn lựa nhất. Thế thì dân chủởđâu?, bài học Dân Chủ 101 bây giờ NV Madison có còn nhớ được chút nào hay không?. NV Madison việân cớ là đã nhận được nhiều email, điện thơ, điện thoại, v.v.. ủng hộ danh xưng SBD nhưng .. nào ai biết chuyện đó và thực sự thì những email, điện thư, điện thoại, .. mà NV Madison đề cập đến chẳng có ăn nhập gì đến diễn tiến hành động mà chính NV Madison vào ngày 15/8/07 đã nói “Giả dụ tất cả chúng ta có được 4 danh xưng khác nhau là Vietnamese Business District, Vietnamese American Business District, Little Saigon, và Saigon Town, chúng ta sau đó sẽ gởi một bản danh sách 4 danh xưng vừa nói đến các cơ sở thương mại và cư dân trong khu vực liên hệ (tức trong phạm vi 1000 feet quanh khu vực) vì đây là những người sẽ bịảnh hưởng nhiều nhất để cho họ bỏ phiếu . .. Danh xưng nào được nhiều phiếu nhất thì danh xưng đó sẽ là danh xưng được Hội Đồng Thành Phố cứu xét đến”.

Thế thì sao những email, những điện thư, những cú điện thoại mà ai ai, hay những bóng ma nào đó, đã gởi đến NV Madison lại không được gởi thẳng đến những cư dân hay chủ nhân những cơ sở thương mại sống trọng phạm vi khu vực 1000 feet để vận động họủng hộ danh xưng SBD bằng cách tham dự cuộc thăm dò do RDA thực hiện?. Chúng ta đang sống trong một nước dân chủ vào bậc nhất trên thế giới mà?

Thay vì tối thiểu cũng phải đề nghị danh xưng Little Saigon thì NV Madison lại đề nghị danh xưng SBD. Cô lại còn cẩn thận trước đó 5 ngày đã âm thầm vận động Thị trưởng Chuck Reed và 3 nghị viên khác là các ông Sam Liccardo, David Cortese, và bà Judy Chirco ra một chiêu phủ đầu bằng cách xuất hiện chung trong một buổi họp báo vào trưa ngày 15/11/07 xác nhận sự ủng hộ của họ đối với danh xưng SBD. Hành động này cho thấy tự trong thân tâm NV Madison đã, vì những lý do thầm kín nào đó, một mực chỉ muốn danh xưng SBD và trong tiến trình dân chủ thì đây là một hành động thật khó hiểu nếu không muốn nói là “thách thức dân chủ”.

Tại sao NV Madison lại có những hành động dấu diếm cộng đồng và phản dân chủ như vậy?

1- Phải chăng Madison đã bị một vài thương gia giầu có mua chuộc? Rất có thể. Nhưng nếu thực sự Madison bị mua chuộc và phải lập công để trả ơn thì lẽ ra cô cứ nằng nặc đòi cho được danh xưng Vietnam Town Business District hay Vietnamese Business District (VBD), tức danh xưng mà CSVN đã nhanh chóng lên tiếng ca ngợi là thành quả của Việt kiều tại Mỹ. Như thế thì việc đề nghị danh xưng SBD là một sự lép vế của người NV trẻ tuổi này.

2- Phải chăng vì thất bại với danh xưng VBD mà NV Madison tìm cách rửa mặt bằng danh xưng SBD thay vì Little Saigon? Cũng có thể như vậy lắm chứ!. “Thua keo này ta bày keo khác” là chuyện thường tình trong xã hội chứ đừng vội nói đến chuyện chính trị. Sài Gòn là thủđô của Việt Nam Cộng Cộng Hòa nên có thể NV Madison nghĩ và hy vọng rằng danh xưng SBD sẽ không gặp sự chống đối và nếu được như vậy thì tiếng tăm và sự nghiệp chính trị của cô sẽ không bị hề hấn mà còn được tiếng là “vì dân”. Khổ nỗi không ai có thể quả quyết 100% rằng 15 cá nhân ký tên ủng hộ danh xưng NSBD là những người sống chung quanh khu vực thương mại liên hệ. Mà dù cho 15 cá nhân đó có sinh sống quanh khu vực liên hệ thì tiếng nói của họ cũng chẳng đáng là bao hoặc vì họ hoặc đã không trả lời bản thăm dò dân ý của RDA hoặc họđã ủng hộ danh xưng nào khác hơn là Little Saigon. Tất cả tổng cộng chỉ có 6 người trả lời RDA là họủng hộ danh xưng SBD và sự kiện chỉ có 8 người ủng hộ NSBD cho thấy ít nhất 7 trong số 15 cá nhân hay hội đoàn kia không sinh sống trong phạm vi 1000 feet quanh khu vực liên hệ.

3- Phải chăng NV Madison đã hành xử như một người trẻ còn nông nổi?
-Không ! Trăm lần không, vạn lần không !
-Đây nhé, vào trung tuần tháng 2 năm 2006, tức 4 tháng trước cuộc bầu cử sơ bộ hầu như mọi người đều tin tưởng là bà Cindy Chavez, Phó Thị Trưởng, rồi ra sẽ đắc cử vào chức vụ Thị trưởng San Jose thay cho người thầy của bà là ông Gonzales, và bà Karyn Sinunu, nhân vật số 2 tại Sở Biện Lý Quận hạt Santa Clara, rồi ra sẽ đắc cử vào chức vụ Biện Lý Quận hạt. NV Madison rõ ràng cũng nằm trong số người đó nên trong bữa tiệc gây quỹ tranh cử cho chính cô được tổ chức tại nhà hàng Dynasty có cả sự hiện diện của nữ thẩm phán Dolores Carr, đối thủ của bà Sinunu, NV Madison đã lên tiếng chính thức ủng hộ bà Chavez và bà Sinunu. Thậm chí còn mời bà Sinunu lên phát biểu mà không đề cập gì đến bà Dolores Carr. Đây là một sự tính toán chính trị rõ ràng nhằm làm giảm uy tín của nữ thẩm phán Carr. Có lẽ hy vọng của NV Madison vào lúc đó là nhắm tạo thêm vây cánh cho chính mình và cũng để trả ơn bà Chavez đã ủng hộ Madison khi cô ra tranh cử. Nhưng “mưu sự tại nhân thành sự tại .. cử tri” . Cây lao NV Madison đã phóng đi làm sao còn lấy lại được.

Thêm một toan tính nữa, nhưng cũng thất bại, của NV Madison. Vào khoảng đầu tháng 10 năm 2005, tức chỉ vỏn vẹn không đầy 1 tháng trước cuộc bầu cử chung kết giữa PTT Cindy Chavez và NV Chuck Reed, các tiên đoán bầu cử trong thời gian này cho thấy NV Chuck Reed đang vượt qua đối thủ là bà Chavez. Để “cứu đồng minh Chavez” NV Madison đã cùng với ông Vincent Mai, khi đó là Chủ tịch ban quản trị Trung Tâm CĐ Việt Nam (tức Vietnamese American Community Center hay VACC) vội vã tổ chức một buổi tiệc tại nhà hàng Dynasty gọi là để “Ra mắt Ban Quản Trị TTCĐVN” nhưng thực ra là để tạo cơ hội cho ƯCV Chavez kiếm thêm phiếu từ khối cử tri người Mỹ gốc Việt. Toan tính của NV Madison bị thất bại vì quá lộ liễu và Ban quản trị TTCĐVN vào thời điểm đó chưa thực sự hoàn bị và đã không thể nào chuẩn bị kịp.

Như vậy làm sao khó có thể cho rằng NV Madison là một người nông nổi. Cô có thể là một người “húc càn” nhưng cũng là người có đầu óc tính toán. Thất bại của cô chắc cũng không khác xa những thất bại của một người đầu tư vào stock “high risk, high return”.

4- Tại sao TT Chuck Reed và 3 nghị viên kia, sau này thêm 3 nghị viên nữa, lại ủng hộ NV Madison? Điều này khá dễ hiểu. Này nhé, tất cả quyết định của thành phố đều nằm trong tay HĐTP với 11 lá phiếu kể cả lá phiếu của Thị Trưởng Chuck Reed. Để có thể đạt được những điều mình mong muốn, dù cho cá nhân hay cho đơn vị của mình, mỗi nghị viên đều phải tìm đồng minh cho chính mình để có thể đạt được đa số phiếu quyết định. Ông Reed chắc chắn sẽ có lúc cần là phiếu của Madison và ngược lại. Nancy Pyle cũng chẳng khác gì hơn, có lúc bà này sẽ cần thêm lá phiếu của Madison nên ngược lại khi Madison cần lá phiếu thì bà Nancy Pyle chắc khó từ chối. “Bánh ít đi qua thì bánh quy đi lại” là chuyện dễ hiểu. Bởi thế khi Madison tìm sự hậu thuẫn của các ông Reed, Cortese, Liccardo, và bà Pyle là được ngay. Chuyện quá dễ đối với họ. Một cái tên gọi cho một khu vực thương mại thì nhắm nhò gì, nhất là khi mà NV Madison đã quả quyết, hay nói bừa với họ, rằng đề nghị danh xưng SBD là một đề nghị dung hòa (compromise) vì có chữ Saigon là chắc bẫm rồi. Chẳng thế thì sao ông Chuck Reed dám giõng dạc tuyên bố vào trưa ngày 15/11/07 rằêng đề nghị của Madison là một đề nghị dung hòa. Nhưng dung hòa giữa cái gì với cái gì mới là chuyện đáng nói. Dung hòa giữa cái được cao điểm nhất và cái được thấp điểm nhất thì phải là điểm trung bình chứ sao lại chọn cái điểm thấp nhất rồi gọi là dung hòa.

Thử tưởng tượng trong một cuộc bầu cử với 3 người cùng ra tranh một chức vụ quan trọng với kết quả là đảng viên Dân Chủ về nhất, đảng viên Cộng Hòa về nhì, và đảng viên Độc lập về hạng chót. Nếu chẳng may NV Madison được ngồi ghế phán quyết tại Tối Cao Pháp Viện thì chắc hẳn đảng viên đảng Độc Lập sẽ được tuyên bố là người đắc cử. Cô đã làm một việc tương tự tại HĐTP ở San Jose và cho đến nay cô vẫn tin là cô làm như vậy là đúng. Nói phỏng theo theo nhà văn Trần Kiêm Đoàn thì “Nam Mô America, she is not in that position”.

Về phần TT Chuck Reed và các nghị viên khác, ngoài 3 nghị viên không đồng ý với NV Madsion, có lẽ họđã chẳng thèm tìm hiểu thêm là dung hòa giữa cái gì và cái gì, và tại sao lại có sự dung hòa khi kết quả chính thức của RDA, sau khi đã tiêu phí tiền từ quỹ của thành phố, đã rành rành ra đó: Little Saigon được nhiều phiếu nhất và SBD về hạng chót. Cứ nghe lời phát ngôn của nghị viên Forrest Williams trong phiên họp của HĐTP tối ngày 20/11/2007 thì đủ hiểu các nghị viên ủng hộ Madison đã suy luận ra sao “NV Madison là đại diện của qúy vị, Madison đề nghị thì chúng tôi tin.”. Mai này một khi NV Williams muốn gì thì NV Madison sẽ chỉ cần nói với những người bất đồng ý kiến với NV Williams rằng “Đại diện của quý vị đề nghị như thế thì chúng tôi tin như thế” là xong chuyện.

5- Tại sao Thị Trưởng Chuck Reed lại ủng hộ danh xưng SBD ? Cũng như các NV khác, ông Reed biết rằng ông ta cũng chỉ có một phiếu nên cần phải kéo thêm vây cánh. Có lẽ hơn ai hết ông biết rõ là NV Madison đang trong thế “cỡi lưng cọp” nên rất cần đến lá phiếu của ông. Ông cũng chắc chắn hiểu rằng rồi ra ông cũng có lúc sẽ cần đến lá phiếu ủng hộ của NV Madison. Thế thì đây chính là dịp nhất cử lưỡng tiện: (1) Kéo thêm đồng minh cho những chương trình Reform của ông và (2) đồng thời cho mọi người thấy là ông có khả năng lôi kéo lá phiếu ngay từ những nghị viên được sự hậu thuẫn mãnh liệt từ lực lượng nghiệp đoàn như NV Madison chẳng hạn. Ai cũng biết mối quan hệ làm việc giữa ông Chuck Reed và NV Nora Campos như mặt trời-mặt trăng. Ông Reed bị thua đau trong quyết định tu sửa trạm cứu hỏa tại đơn vị 5 do NV Campos đề nghị. Ông Reed không biết tại sao NV Campos có thể thành công trong việc thuyết phục các nghị viên khác để đánh bại ông nhưng để trả đũa, ông Reed trục xuất NV Campos ra khỏi Ủy Ban Bài Trừ Băng Đảng do ông làm Chủ tịch. Thậm chí ông Reed lại giáng thêm một đòn ly gián bằng cách đưa NV Madison vào thay chỗ ngồi của NV Campos tại Ủy Ban Bài Trừ Băng Đảng.

Phải chăng hành động ủng hộ SBD và đưa Madison vào Ủy Ban Bài Trừ Băng Đảng của ông Chuck Reed không những lưỡng tiện như vừa nói mà thật ra là “ném một hòn đá giết hai con chim”. NV Campos nghĩ thế nào về NV Madison trong việc này thì chỉ có chính NV Campos biết nhưng rõ ràng sự cứng rắn, có thể là không cần thiết, của ông Chuck Reed trong vấn đề đặt tên cho một khu thương mại trên đường Story ít ra một phần nào đó cũng tạo cho NV Madison ấn tượng là luôn luôn có TT Chuck Reed bên cạnh ủng hộ. Nhưng hành động của ông Reed cũng có thể là một ngón đòn “chơi khăm” chính trị, cổ võ cho NV Madison tiếp tục hăng hái “ngồi lưng cọp” để bị đả đảo, chỉ trích, và có thể bị bãi nhiệm. Dù hậu quả đối với NV Madison có ra sao đi chăng nữa thì TT Chuck Reed cũng sẽ chỉ có “nothing to loose”. Một khi Madison bị bãi nhiệm, nếu chuyện này xảy ra, thì TT Chuck Reed có quyền hy vọng, và chắc chắc sẽủng hộ bất cứ người nào không nằm trong quỹ đạo của hệ thống nghiệp đoàn tại địa phương. Thế thì chẳng những “nothing to loose” mà ông Chuck Reek còn có “so much to hope for”.

6- Tại sao TT Chuck Reed quay lưng với cộng đồng người Việt? Còn đâu những ngày “hoa giăng đầu ngõ” khi ứng cử viên Chuck Reed, trong bộ áo quốâc phục Việt Nam hay thắt cà vạt mầu cờ vàng 3 sọc đỏ, hân hoan bước vào tham dự những buổi tiệc do các hội đoàn người Việt Quốc Gia tổ chức. Đây là một sự kiện đáng suy gẫm cho các tổ chức và hội đoàn người Việt trong vùng. Trong thời gian qua một vài tuần báo tại địa phương cũng như trên một vài băng tần phát thanh người ta đã đọc và nghe khá nhiều về chuyện SBD. Kẻ chống thì nhiều nhưng người theo vẫn có. Người bênh cho rằng việc chống đối và đòi bãi nhiệm NV Madison là chuyện không cần thiết vì vấn đề chỉ là “sự khác biệt về một cái tên”. Những người này mong mỏi, giống như NV Madison mong mỏi, là mọi người hãy “move on” đừng tìm cách làm cho các sắc dân khác nhìn cộng đồng người Việt với những con mắt khinh miệt và nhất là đừng đánh mất tiếng nói của khối người Mỹ gốc Việt trong HĐTP. Nhưng tác giả những bài báo đó đã không thể giải thích được tại sao lại bị khinh miệt và khinh miệt cái gì. Đòi hỏi dân chủ sao lại sợ bị khinh miệt. Nhưng đọc cho kỹ mới biết tác giả những bài báo đó chỉ mượn lời của vài ký giả không phải là người Việt những người không hiểu hoặc không thèm hiểu thế nào là chữ“tín” trong phong tục Việt và có lẽ một số trong những người đó đã không tham dự phiên họp tại HĐTP vào tối ngày 20/11/2007 nên không nghe được phần phát biểu của NV Pete Constant.

Những người chống NV Madison cho rằng vấn đề không phải chỉ là cái tên gọi (hay ngọn) mà một chuỗi tiến trình làm việc có chủ ý và phản dân chủ của NV Madison mới chính là cội rễ của vấn đề. Một số trong những người này nhấn mạnh rằng đối với họ thì SBD hay Little Saigon cũng đều có thể chấp nhận được vì cả hai đều mang hình ảnh của một quê hương thân yêu trong Tự Do và Dân Chủ nhưng hành động “phi dân chủ” của NV Madison là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Họ lập luận rằng nếu cộng đồng người Việt không có những phản ứng mạnh mẽ trong lần này thì mai đây giả sử như BS Nguyễn Xuân Ngãi muốn đưa ông Hoàng Minh Chính, một cán bộ cao cấp CSVN, nay đã bịđào thải, sang thăm San Jose để “chữa bệnh” như lần trước và muốn thấy ông HMC được xuất hiện để nói lảm nhảm hay tuyên truyền ngay tại HĐTP San Jose thì chắc NV Madison không những khó có thể từ chối yêu cầu đó của BS Ngãi mà còn phải tích cực vận động ngầm, bất chấp phản ứng từ những người Việt tị nạn cộng sản tại đây để HĐTP chấp thuận cho HMC xuất hiện. Lý do thật dễ hiểu, NV Madison đã vay một món nợ, dù là tinh thần hay vật chất, và không sớm thì muộn cũng sẽ phải trả nợ.

Hoặc giả thử mai này Hà Nội muốn dời Tòa Lãnh Sự của họ từ San Francisco xuống San Jose viện cớ là để dễ dàng giúp đỡ “Việt kiều” tại đây thì trong khi cộng đồng người Việt quốc gia phẫn uất, biểu tình rầm rộ để phản đối thì tại HĐTP San Jose nữ NV Madison chỉ việc thì thầm vào tai ít nhất 5 nghị viên khác rằng “Không có gì đâu, hàng chục ngàn email, hàng ngàn điện thư, và đường giây điện thoại văn phòng của cô bị tắt nghẽn vì có quá nhiều người gọi vào ủng hộ việc cho phép Hà Nội dời Tòa Lãnh Sự xuống San Jose” là xong chuyện. Nếu cần thì NV Madison chỉ thì thầm thêm một câu nữa “Don’t worry, tất cả những người ồn ào biểu tình ngoài đó chỉ là những người thất nghiệp, những kẻăn không ngồi rồi không có chuyện gì làm khác hơn là đi biểu tình cho vui”. Hoặc nếu cần thêm nữa thì NV Madison chỉ việc ghi thêm một hàng chữ vào bản tâm thư gởi cho những người Mỹ gốc Việt tị nạn CS hiệnn đang sống trong vùng Thung Lũng Hoa Vàng rằng “Trong sự cố gắng của chúng tôi để tiếp cận cộng đồng, chúng tôi nhận thấy rằng sau những sự thăm dò, hơn 70% (bảy mươi phần trăm) muốn Tòa Lãnh Sự CSVN được đặt tại San Jose”. Dĩ nhiên NV Madison có thể sẽ làm như vậy vì chính cô đã làm trong vấn đề SBD này khi viết rằng “ ...hơn 70% muốn hai chữ Sài Gòn trong việc đặt tên”. Nếu người nào tò mò đòi hỏi bằng chứng của con số 70% thì dễ quá, NV Madison chỉ việc căn dặn những người đó là đừng hỏi Ban Đại Diện Cộng Đồng mà phải hỏi các du sinh VN đang theo học tại các trường đại học trong vùng thì mới rõ.

Vấn đề mà cộng đồng người Việt đang phải đương đầu với không phải chỉ là đòi cái tên Little Saigon cho một khu vực thương mại mà chính là phải làm thế nào tránh được những hành động thiếu công khai, phản dân chủ của những người đại diện đáng ra phải nói lên tiếng nói của đa số chứ không phải chỉ cốt làm vừa lòng nhóm thiểu số. Phải biểu tình chống một nghị viên người Việt là điều đáng buồn và là nỗi đau chung của cộng đồng nhưng thử hỏi ai là người gây ra nông nỗi này?. Câu trả lời rõ như ban ngày. Cội rễ của vấn đề là thế ! Bây giờ phải làm sao?. Ông cha ta đã bảo “Đốn cây phải chặt tận gốc”. Nếu NV Madison vẫn tiếp tục không mau chóng tìm cách thay đổi lề lối hoạt động âm thầm, hoàn toàn phi dân chủ và chỉ nhắm phục vụ cho thiểu số thì cử tri người Mỹ gốc Việt tại đơn vị 7, những người đã phải bỏ vùng đất thân yêu bị Cộng Sản cưỡng chiếm, chắc chắn không còn cách nào khác hơn là hành xử quyền công dân để bỏ phiếu, và vận động mọi người bỏ phiếu, bãi nhiệm NV Madison hầu tránh những hậu quả chính trị tai hại có ảnh hưởng thật sâu xa đối với cộng đồng người Việt tị nạn trong những tháng năm sắp tới. VNNB, 2/2/2008
http://www.vietnamdaily.com/index.php?c=article&p=40481#disc


                                  © 2008 San Jose Voters for Democracy. All rights reserved. FPPC# 1302736. Phong Trào Cử Tri San Jose Đòi Dân Chủ.